Tôi và nhà tôi, Donna, đang đi cùng hai người bạn từ St. Petersburg, Florida, đến Fort Lauderdale. Khi đang đi trên Xa Lộ Liên Bang 75 với tốc độ giới hạn, tôi đoan chắc rằng mình sẽ đến đúng giờ để dự một buổi họp quan trọng.
Thình lình chiếc xe chạy chậm lại và dừng hẳn. Tim tôi như cũng muốn ngừng theo. Làm sao tới Fort Lauderdale đúng giờ được? Cảm ơn Chúa! Chúng tôi ngừng gần một ngã rẽ ra khỏi xa lộ. Donna và tôi đi bộ về hướng đó để gọi người tới giúp. Chúng tôi đi được một đoạn ngắn thì có hai người đàn ông trung niên đang đi trên chiếc xe vận tải nhẹ tấp vội vào lề.
“Ô, xin lỗi!” Một người bắt chuyện. “Chúng tôi cứ nghĩ rằng ông bà là người quen, trông chiếc xe thấy giống quá!” Rồi người đó nói tiếp, “Xin mời ông bà cứ lên đây rồi làm quen với chúng tôi luôn thể.” Chúng tôi lên xe, và những người bạn mới đó chở chúng tôi tới cây xăng gần nhất, rồi tôi gọi dịch vụ AAA đến kéo xe về. Sau đó tôi mới điện thoại hỏi thuê một chiếc xe hơi để lái tới Fort Lauderdale dự cuộc họp.
Tôi nhận ra là thị trấn nhỏ nầy không có cho thuê xe. Nhưng có một chàng thanh niên đứng gần trạm điện thoại công cộng tình cờ nghe được câu chuyện của chúng tôi. “Tôi là Tom,” anh ta ngỏ lời. “Tôi đang lái xe tới Fort Myers. Ông bà có muốn đi chung với tôi không? Tôi sẽ chở ông bà tới phi trường, và ông bà có thể thuê xe tại đó.” Tom chở chúng tôi lại chỗ chiếc xe hư để lấy hành lý và báo cho bạn của tôi biết. Sau đó chúng tôi lên đường ngay. Dù bị trễ một chút, nhưng tôi cũng đến kịp để dự cuộc họp!
Khi tôi nghĩ lại những việc trục trặc ngày hôm đó, sự giúp đỡ của những người bạn đã quen lâu hay mới quen là điểm nổi bật hơn hết. Quả thật, có được một người bạn khi đang cần là quí giá vô cùng!
Người ta định nghĩa chữ bạn theo nhiều cách khác nhau. “Đó là người biết mọi điều xấu hay tốt về bạn mà vẫn thật lòng yêu thương bạn.” “Đó là người không bao giờ cản đường trừ phi bạn đang sa sút.” “Đó là người tiến lại gần khi cả thế giới lìa xa.”
Vua Sa-lô-môn đã nói, “Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn” (Châm Ngôn 17:17). Chúa Giê-su phán, “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:13).
Thời nay, càng ngày càng có nhiều người quan tâm tới việc làm chứng về Chúa cho bạn hữu của họ. Điều đó tốt lắm, nhưng không phải ai cũng hiểu làm một người bạn chân thật quan trọng như thế nào đối với việc chứng đạo cho bạn hữu. Khi chúng ta bàn đến việc truyền giáo vì tình bạn theo Kinh Thánh, trước hết chúng ta phải hiểu tình bạn thật trong Kinh Thánh có nghĩa là gì. Một số người tỏ ra ủng hộ, tử tế hơn với bạn mình, thỉnh thoảng mời họ đi nhà thờ và cho rằng như thế là họ đang làm chứng về Chúa cho bạn mình. Điều đó tốt, nhưng chưa đủ!
Nói một cách thẳng thắn thì bạn hiểu chữ bạn là gì, và làm sao để trở thành một người bạn?
Không có người nào cô đơn và nản lòng hơn là người cần một người bạn thật nhưng lại không có! Đó là người tàn tật nằm bên hồ Bê-tết-đa trong 38 năm (Giăng 5:1-9). Khi Chúa Giê-su thấy ông nằm đó và biết rằng ông bị như vậy lâu lắm rồi, Ngài hỏi người đó xem ông có muốn được lành không.
“Lạy Chúa,” ông đáp, “tôi chẳng có ai để quăng tôi xuống ao trong khi nước động; lúc tôi đi đến, thì kẻ khác đã xuống ao trước tôi rồi” (Giăng 5:7). Trong 38 năm ròng, ông không có một người bạn để giúp mình. Thật đáng buồn! Tạ ơn Đức Chúa Trời vì Chúa Giê-su đã đến đúng lúc người nầy cần và kết bạn với ông.
Chúng ta có lẽ đã nghe về những người bạn của Gióp. Nhưng chính Gióp đã nói gì về những người bạn nầy? “Kẻ gần xui té, đáng được bạn bầu thương xót đến… Anh em tôi dối gạt tôi như dòng khe cạn nước, như lòng khe chảy khô” (Gióp 6:14-15).
Đa-vít cũng vậy, ông hết sức thất vọng về những người bạn của mình, những người đã phản bội ông khi ông cần họ nhất: “Lòng tôi hồi hộp, sức tôi mỏn đi; sự sáng mắt tôi cũng thiếu mất nữa. Các người thương tôi và những bạn tôi đều đứng xa tôi, còn bà con tôi ở cách xa tôi” (Thi Thiên 38:10-11).
Trái ngược với người bại tại ao Bê-tết-đa, Gióp và Đa-vít, có một người đã tìm được những người bạn chân thật, sẵn sàng giúp đỡ ông khi ông có cần. Cũng giống như người tại ao Bê-tết-đa, người nầy cũng bị tàn tật. Đây là phép lạ mà Mác đã ghi lại:
Khỏi một vài ngày, Đức Chúa Giê-su trở vào thành Ca-bê-na-um, và chúng nghe nói Ngài ở trong nhà. Họ họp lại tại đó đông lắm, đến nỗi trước cửa cũng không còn chỗ trống; Ngài giảng đạo cho họ nghe. Bấy giờ có mấy kẻ đem tới cho Ngài một người đau bại, có bốn người khiêng. Nhưng, vì đông người, không lại gần Ngài được, nên dỡ mái nhà ngay chỗ Ngài ngồi, rồi do lỗ đó dòng giường người bại nằm xuống. Đức Chúa Giê-su thấy đức tin họ, bèn phán cùng kẻ bại rằng: “Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha.”
Vả, có mấy thầy thông giáo ngồi đó, nghĩ thầm rằng: “Sao người nầy nói như vậy? Người nói phạm thượng đó! Ngoài một mình Đức Chúa Trời, còn có ai tha tội được chăng?” Đức Chúa Giê-su trong trí đã hiểu họ tự nghĩ như vậy, tức thì phán rằng: “Sao các ngươi bàn luận trong lòng thể ấy? Nay bảo kẻ bại rằng: ‘Tội ngươi đã được tha;’ hay là bảo người rằng: ‘Hãy đứng dậy vác giường mà đi;’ hai điều ấy điều nào dễ hơn? Vả, để cho các ngươi biết Con người ở thế gian có quyền tha tội, thì Ngài phán cùng kẻ bại rằng: ‘Ta biểu ngươi, hãy đứng dậy, vác giường đi về nhà.’” Kẻ bại đứng dậy, tức thì vác giường đi ra trước mặt thiên hạ; đến nỗi ai nấy đều lấy làm lạ, ngợi khen Đức Chúa Trời, mà rằng: “Chúng tôi chưa hề thấy việc thể nầy” (Mác 2:1-12).
Bài học chính trong câu chuyện nầy là gì? Chính là chỗ nầy: Một người bạn sẵn sàng giúp đỡ trong lúc cần thiết; nhu cầu cần nhất của người khác là Chúa Giê-su Christ. Đó chẳng phải là người truyền giáo vì tình bạn sao?
Vậy thì bạn định nghĩa thế nào là một “người truyền giáo vì tình bạn?” Từ câu chuyện trong sách Mác đoạn 2, tôi muốn dùng năm từ ngữ để mô tả một người làm công việc ấy. Trước hết, người đó phải có lòng…